Tương lai con người sẽ gõ status bằng ý nghĩ, nghe bằng da
- Trang chủ
- Tin Công Nghệ
- Tương lai con người sẽ gõ status bằng ý nghĩ, nghe bằng da
Những khả năng tưởng chừng chỉ có trong khoa học viễn tưởng đang được Facebook bắt tay hiện thực hóa và được chia sẻ lần đầu tại hội nghị F8 của họ.
Hội nghị F8 2017 của Facebook vừa kết thúc. Trong 2 ngày diễn ra, đã có khá nhiều dự án mà mạng xã hội lớn nhất thế giới đang thực hiện.
-
Gõ status bằng suy nghĩ
Facebook tiết lộ hãng đang có 60 kỹ sư làm việc trên một hệ thống máy tính - não bộ, cho phép người dùng có thể đánh máy bằng suy nghĩ, không cần phải sử dụng các bộ phận khác của cơ thể. Nhóm nghiên cứu dự định sử dụng hình ảnh quang học để quét não người đang thao tác 100 lần mỗi giây để phát hiện "giọng nói trong im lặng", tức là những suy nghĩ trong đầu và dịch nó thành văn bản.
Đây là một trong những dự án tham vọng của Building 8 – đơn vị được thành lập 1 năm trước và đang âm thầm phát triển các dự án táo bạo, mở rộng quy mô các nguyên mẫu phần cứng, bao trùm mọi lĩnh vực từ camera và thực tế tăng cường đến công nghệ quét não như trong phim viễn tưởng.
Trở lại với dự án trên, theo Regina Dugan, trưởng phòng R&D của Facebook Building 8, mục đích ra đời của nó là nhằm hỗ trợ con người nhập liệu nhanh hơn. Với nó, con người có thể gõ 100 từ mỗi phút, nhanh hơn gấp 5 lần so với việc gõ thông thường trên điện thoại di động.
Tuy nhiên, việc này sẽ không được ứng dụng nhiều với người bình thường, mà sẽ áp dụng cho các đối tượng đặc thù hơn. Tại sân khấu sự kiện, Dugan đã trình chiếu một đoạn video ghi lại cảnh bệnh nhân bị bại liệt ở Stanford, người có thể gõ bằng cách sử dụng tâm trí của họ nhờ cảm biến cấy ghép. Bà cũng nhấn mạnh, đây là cách mà Facebook muốn những người bị liệt, câm điếc… vẫn có thể giao tiếp, nhập văn bản lên máy tính mà không cần phẫu thuật cấy ghép.
Tuy mới bắt tay thực hiện dự án đánh máy bằng não cách đây nửa năm, Building 8 hiện có mức độ uy tín khá cao và đã bắt tay với những tổ chức nghiên cứu hàng đầu, như đại học Calorina San Francisco, đại học Calorina Berkeley, Johns Hopkins Medicine, Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng của Đại học Johns Hopkins và trường Y khoa thuộc đại học Washington ở St. Louis.
Hiện các nhà nghiên cứu về máy học giải mã ngôn ngữ, xây dựng hệ thống thần kinh ảnh quang độ phân giải không gian tiên tiến, cũng như các khớp thần kinh thế hệ tiếp theo. Mục tiêu cao nhất của nhóm là sản xuất ra các thiết bị không cấy ghép và bán chúng đại trà.
Để giải quyết việc hiển thị tất cả những gì đang suy nghĩ lên máy tính, Facebook đã có các giải pháp để người dùng có thể chọn lọc những từ ngữ muốn nói, sau đó đưa về vùng nhớ trước khi quyết định biến nó thành văn bản hiển thị trên màn hình máy tính. "Facebook sẽ vẫn để việc suy nghĩ được tự do và chỉ biến một số suy nghĩ thành văn bản", một đại diện cho biết.
-
Nghe bằng da
Bên cạnh viết bằng suy nghĩ, Building 8 còn phát triển hệ thống có thể nghe âm thanh thông qua làn da. Hệ thống kết hợp cả phần cứng và phần mềm, biến làn da thành bộ phận có chức năng như phần ốc tai ở bên trong tai, có khả năng "dịch" âm thanh thành các tần số và truyền đến não. Facebook kỳ vọng nó sẽ giúp người khiếm thính có thể nghe dễ dàng mà không cần dùng tới máy trợ thính, và cũng không cần dùng tới tai.
Tại sự kiện, Facebook đã trình diễn khả năng nghe qua da thông qua một hệ thống thiết bị truyền động được điều chỉnh tới 16 dải tần số. Người được thử nghiệm đã có thể thu nhận được một lượng từ vựng nhất định từ 9 từ họ nghe qua da.
-
Những dự án khác
Trí tuệ nhân tạo (AI)
AI đã được Facebook quan tâm khá nhiều thời gian qua. Hãng cũng đang tiếp tục phát triển nhằm cung cấp những trải nghiệm thị giác thú vị cho mọi người, áp dụng cho cả 3 dịch vụ nhiều người dùng nhất, gồm Facebook, Instagram và Messenger.
Với công nghệ AI của Facebook, một chiếc camera giờ đây có thể hiểu được môi trường xung quanh, nhận diện con người, địa điểm và đồ vật, hoặc có thể chú thích và nâng cao hình ảnh, video. Máy tính có thể nắm bắt được từng điểm ảnh của mỗi bức hình, mở đường cho những trải nghiệm mới, ví dụ bổ sung thêm các đối tượng và hiệu ứng kỹ thuật số vào thế giới thực.
Thực tế ảo (VR)
Facebook đã và đang đầu tư khá mạnh vào thực tế ảo, trong đó tập trung vào điện thoại di động, phần cứng cũng như cả phần mềm của máy tính và nội dung từ Oculus Rift và Gear VR tới Facebook Spaces.
Tại F8, Facebook đã giới thiệu máy ảnh Surround 360, cho phép người dùng quay những video có chất lượng cao dành cho thực tế ảo. Với việc hỗ trợ xem ảnh và video 360 độ trước đó, mạng xã hội lớn nhất thế giới khẳng định trải nghiệm xem thực tế ảo trên Facebook sẽ tốt hơn so với hiện tại.
Thực tế tăng cường (AR)
Theo Giám đốc Khoa học của bộ phận nghiên cứu Oculus Michael Abrash, Facebook sẽ biến AR thành thứ phổ biến trong đời sống hàng ngày. Ông tiết lộ, Facebook sẽ cần AR xuyên thấu, có thể hình dung nó là chiếc kính trong suốt có thể hiển thị những hình ảnh ảo chồng lên trên thế giới thật. Tuy vậy, đây mới chỉ là dự định, và chưa rõ khi nào mới thành sự thật.
Sự kết nối
Facebook đang đầu tư xây dựng một khối chiến lược - thiết kế các công nghệ khác nhau cho từng đối tượng cụ thể, sau đó kết hợp với nhau để tạo ra một mạng lưới linh hoạt và mở rộng. Theo số liệu công bố tại sự kiện, hãng cho biết đã thiết lập ba kỷ lục mới trong việc truyền dữ liệu không dây, bao gồm: 36 gigabits mỗi giây trên 13 km của 2 nút mạng bằng cách sử dụng công nghệ sóng milimét; 80 gigabits mỗi giây giữa những điểm tương đồng bằng cách sử dụng công nghệ liên kết ngang quang học và 16 gigabits mỗi giây từ một vị trí trên mặt đất đến một máy bay Cessna xoay vòng cách đó hơn 7 km.
Bên cạnh đó, Facebook cũng công bố một loại cơ sở hạ tầng động mới mang tên Tether-tenna. Nó gồm một chiếc trực thăng nhỏ được gắn vào một sợi dây có chứa cáp quang và nguồn điện, có thể được triển khai để cung cấp lại kết nối ngay lập tức trong trường hợp khẩn cấp.
Bảo Lâm (vnexpress.net)